1. Bột nghệ – rau má
Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, sinh da non; dùng chữa vết thương phần mềm mới hoặc đã nhiễm khuẩn.
Cách làm: Bột rau má 60%, bột nghệ 35%, bột phèn chua (phi khô) 5% trộn đều, rây mịn, bảo quản nơi khô ráo. Rửa sạch, thấm khô vết thương rồi rắc thuốc kín. Nếu vết thương nông, nhỏ thì để ngỏ cho nhanh khô. Nếu vết thương sâu và rộng thì khi rắc thuốc xong, cần đặt gạc lên trên rồi băng lại.
2. Cao nghệ lá sim
Loại cao này có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, giảm đau, sinh da non; dùng chữa vết bỏng đã bị loét hoặc các vết thương phần mềm.
Cách làm: Lá sim tươi 5 kg, củ nghệ già 700 g. Chọn lá sim bánh tẻ, không có sâu, thái nhỏ, cho vào thùng nhôm, đổ nước ngập khoảng 10 cm rồi nấu sôi kỹ trong 4-5 giờ, khi nước cạn còn khoảng hơn 1 lít thì lọc lấy nước. Nghệ rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái mỏng, giã nát, ép lấy nước cốt. Hòa nước nghệ với nước lá sim, cô nhỏ lửa thành cao lỏng (sền sệt), đóng vào chai dùng dần. Để phòng mốc, có thể cho thêm khoảng 1g axit benzoic.
Rửa sạch vết thương, dùng bông thấm cao, bôi phủ kín vết thương, ngày làm 2-3 lần.
3. Thuốc uống
Hai bài thuốc dưới đây có tác dụng hoạt huyết, chống viêm và giảm đau, giúp vết thương mau lành và cơ thể chóng hồi phục; rất tốt cho các trường hợp tổn thương phần mềm, bong gân, sai khớp, gãy xương, tụ máu, sưng đau. Nên dùng kết hợp với thuốc bôi ngoài.
– Củ nghệ già 20 g, vỏ cây gạo 20 g, rễ cỏ xước 15 g, rễ cây lá lốt 15 g. Nghệ thái mỏng, phơi khô, sao qua. Vỏ cây gạo gọt bỏ lớp thô bên ngoài, thái mỏng, sao qua. Cỏ xước và rễ cây lá lốt rửa sạch, thái ngắn. Tất cả cho vào ấm, đổ nước ngập 2-3 cm, sắc lấy 1 bát nước thuốc; sau đó đổ thêm nước sắc lần thứ hai, lấy 1 bát. Hoà hai bát nước, chia làm 3 phần uống trong ngày; khi uống nên pha thêm chút rượu.
– Củ nghệ già 20 g, lá ngải cứu khô 20 g, huyết giác 15 g, gỗ vang (tô mộc) 15 g, lá móng tay khô 15 g. Sắc uống ngày 1 thang, cách làm giống như bài trên. Hoặc: Tất cả tán thành bột mịn, trộn đều, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20 g.